Ngày nay, đa phần các học giả đồng ý rằng Shakuhachi được du nhập
vào Nhật Bản qua bán đảo Triều Tiền vào thời kỳ Nara (710-794). Shakuhachi
trong thời kỳ này được sử dụng như một nhạc cụ trong Dàn nhạc Gagaku (Nhạc cung
đình). Các mẫu Shakuhachi cổ nhất được tìm thấy tại Shōsōin, một kho lưu trữ
được xây dựng vào năm 756, nơi bảo quản 8 cây shakuhachi được sử dụng trong
nghi lễ cúng dường Đại Phật của chùa Tōdaiji vào năm 752. Những shakuhachi này
có 5 lỗ phía trên, 1 lỗ phía dưới và tạo ra thang âm thất cung (bảy nốt) có
lẽ được sử dụng cùng thời ở Trung Quốc. Trong số 8 cây shakuhachi trong kho
Shōsōin, 3 cây shakuhachi được làm từ ngà voi, đá và ngọc bích; 5 cây còn lại
được làm từ một loại trúc của Trung Quốc.
Hình 1: Hình ảnh của một
Gagaku Shakuhachi
Khi Dàn nhạc Gagaku được thành lập lại vào giữa thế kỷ thứ 10,
Shakuhachi không còn được sử dụng. Không có một tài liệu lịch sử nào còn sót
lại nhắc đến nhạc cụ này cho đến thế kỷ 13, lúc đó Shakuhachi đã trải qua quá
trình Nhật Bản hóa và trở thành một cây tiêu 5 lỗ, làm từ trúc Madake
(Phyllostachys bambusoides) - loại trúc phổ biến nhất ở Nhật Bản. Sau khoảng
thời gian gián đoạn này, Shakuhachi được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1233 trong
Kyōkunshō, một chuyên luận mười tập về Dàn nhạc Gagaku của tác giả Koma
Chikazane: "Cây sáo ngắn được gọi là shakuhachi. Lúc đó, Shakuhachi được
chơi bởi mekurahōshi [các nhà sư mù] và những người biểu diễn Sarugaku. Hình
minh họa đầu tiên của shakuhachi, lúc đó được gọi là Hitoyogiri hay Shakuhachi
một đốt, được tìm thấy trong Taigensho (1512) có niên đại vào cuối thế kỷ XIV.
Hitoyogiri có 5 lỗ và miệng thổi vát ra ngoài tương tự như của Gagaku
Shakuhachi. Hitoyogiri và miyogiri (một shakuhachi ba đốt) được coi có mỗi liên
kết giữa Gagaku shakuhachi và Fuke shakuhachi mà chúng ta biết ngày nay.
|
|
Hình 2: Hình ảnh của Hitoyogiri
|
Hình 3: Hình ảnh của Miyogiri
|
Trong khoảng cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, các nhà sư Komosō
(nhà sư chiếu rơm – luôn đeo theo một chiếu rơm dùng để ngủ), những người đi
khất thực bằng cách chơi Hitoyogiri, đã xuất hiện. Hitoyogiri phát triển mạnh
mẽ và phổ biến nhất vào cuối thế kỷ XVII. Sau đó, số người chơi suy giảm nhanh
chóng, Hitoyogiri gần như biến mất vào đầu thế kỷ XIX.
Hình 4: Nhà sư Komosō
Vào
đầu thế kỷ XVII, các nhà sư chơi Shakuhachi đã thành lập giáo phái Fuke
(Fukeshu), một phân nhánh của Rinzai Zen. Các Nhà sư của giáo phái Fuke được gọi
là Komusō (nhà sư hư vô). Sắc lệnh đầu tiên, Keichō no Okitegaki, cấp đặc quyền
cho giáo phái Fuke được Tokugawa Ieyasu (1543–1616, Shōgun đầu tiên của Mạc phủ
Tokugawa) ban hành vào năm 1614. Điều này bao gồm việc độc quyền sử dụng
Shakuhachi và giấy thông quan cho phép họ đi đến bất kỳ đâu trên đất nước Nhật
Bản. Đây là cơ sở pháp lý cho việc thành lập giáo phái Fuke, giáo phái chỉ kết
nạp những người đàn ông thuộc tầng lớp samurai (quý tộc quân đội) và rōnin (võ
sư samurai thất nghiệp) làm thành viên của giáo phái. Theo quy tắc của giáo
phái, shakuhachi chỉ được sử dụng như hōki (vật thiêng liêng), cho mục đích rèn
luyện tinh thần và takuhatsu (việc hành khất). Tuy nhiên, một số komusō đã
không tuân theo các quy tắc này và thậm chí còn mở trường dạy shakuhachi ở Edo
(Tokyo ngày nay).
Hình 5: Nhà sư Komusō
Tóm lại, theo nghiên cứu của Nakatsuka Chikuzen (1887 - 1944), có
77 ngôi đền của giáo phái Fuke nằm rải rác trên khắp Nhật Bản trong thời kỳ
Edo. Ba trong số những ngôi đền quan trọng nhất là Myōanji ở Kyoto và Ichigetsuji và Reihōji ở
vùng Kantō, khu vực xung quanh Edo hoặc Tokyo ngày nay. Tại mỗi ngôi đền, các
nhà sư đã sáng tác các bản nhạc riêng, khi kết hợp với nhau có khoảng 150 bản
nhạc Honkyoku từ thời Edo được biết đến ngày nay. Honkyoku là một thuật ngữ
dùng để chỉ các bản nhạc độc tấu được các nhà sư komusō chơi vào thời kỳ Edo và
được sử dụng để rèn luyện tinh thần hoặc quá trình khất thực của họ. Tương tác
giữa các ngôi đền, bao gồm cả trao đổi âm nhạc, diễn ra nhờ các nhà sư komusō
đi khất thực, truyền đạo từ đền này sang đền khác. Âm nhạc không phải honkyoku
được gọi là gaikyoku hoặc rankyoku.
Mối quan hệ giữa Mạc phủ (chính phủ Edo) và giáo phái Fuke trở nên
xấu đi do những khó khăn trong việc kiểm soát giáo phái này và hành vi phạm tội
của một số nhà sư. Năm 1847, Mạc phủ đưa ra sắc lệnh rằng giáo phái Fuke phải
tuân thủ các quy tắc giống như giáo phái Rinzai. Điều này đã thu hồi các đặc
quyền được cấp trong Kenchō no Okitegaki và dẫn đến sự thất vọng của các nhà sư
Komusō. Mối quan hệ xấu này trở nên tồi tệ hơn khi kansu (trưởng môn) thứ ba mươi ba
của trường phái Myōanji, Gendō Kanmyō và Myōan Sugyō, cũng từ Myōanji, tham gia
vào 'Hamaguri Gomon Rebellion' vào năm 1864 với tư cách là một trong những
người ủng hộ việc lật đổ Mạc phủ Tokugawa. Sự ngờ vực lẫn nhau tăng lên và số
lượng các biện pháp trừng phạt và điều tra các nhà sư komusō cũng tăng lên.
Đỉnh điểm khi chính phủ Edo bị lật đổ vào năm 1868 và được thay
thế bởi chính phủ Meiji - Minh Trị (1868–1912). Trong cuộc đàn áp Phật giáo,
chính phủ Minh Trị đã ban hành sắc lệnh Dajōkan Fukoku, trong đó, bãi bỏ giáo
phái Fuke vô thời hạn, bãi bỏ đặc ân trước đó của nhà sư komusō vào năm 1871,
và sau đó là cấm hành khất từ năm 1872 đến năm 1881 đã tác động mạnh mẽ đến âm
nhạc shakuhachi. Nhiều người chơi shakuhachi bắt đầu biểu diễn trong các dàn
nhạc sankyoku để mưu sinh mặc dù người ta biết rằng các nhà sư komusō đã biểu
diễn âm nhạc thế tục trước thời kỳ Minh Trị năm 1867. [Dàn nhạc sankyoku ban
đầu bao gồm đàn koto (đàn tranh 13 dây), shamisen (đàn nguyệt cổ dài ba dây) và
kokyū (đàn vĩ kéo 3 dây). Tuy nhiên, shakuhachi nhanh chóng tiếp nhận vai trò
của kokyū; do đó, Dàn nhạc Sankyoku truyền thống bao gồm koto, shamisen và
shakuhachi.]
Hình 5: Dàn nhạc Sankyoku
Lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật khác của Nhật Bản, những
người theo chủ nghĩa thế tục bắt đầu chia thế giới shakuhachi thành ryūha
(thường được dịch là 'trường phái' hoặc 'bang hội'). Quá trình này được
Kurosawa Kinko I (1710-1771) khởi xướng. Ông đã thu thập một kho tài liệu lớn
về honkyoku từ một số ngôi đền. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của Kinko-ryū
(phong cách chơi của trường phái Kinko). Sau quá trình thế tục hóa shakuhachi
này, các trường phái mới như Tozan-ryū (thành lập năm 1896), Ueda-ryū (thành
lập năm 1917) và Chikuhō-ryū (cũng được thành lập năm 1917). Những trường phái
mới này thu hút học sinh mới, những người chơi shakuhachi như một loại nhạc thế
tục. Shakuhachi ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt với việc tạo ra các
tiết mục hiện đại dựa trên các nguyên tắc nhạc phương Tây như chơi hòa tấu và
sáng tác bằng cách sử dụng hòa âm. Các trường phái như Tozan và Chikuhō sở hữu
một kho nhạc lớn theo phong cách này.
Nguồn:
http://www.kikuday.com/the-instrument-and-its-history/
http://shakuhachisociety.eu/shakuhachi-histories/history/